Trong quá trình tư vấn, Công ty Luật TNHH Fifan Việt Nam – Chi nhánh Đồng Tháp đã có dịp tư vấn cho cụ G, cụ G là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế. Cụ G trình bày: cụ G và cụ L kết hôn năm 1966, quá trình chung sống hai cụ tạo lập được thửa đất 90 m2, đã được cấp sổ đỏ năm 2014. Vào năm 2018, cụ L mất không để lại di chúc, cụ G muốn để lại thửa đất trên cho con út (là anh D), những người con khác đều đồng ý cho em út nhưng con trai lớn (là anh A) không chấp nhận. Vì vậy, cụ G đã khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ L, tuy nhiên, cụ G không biết Tòa án định giá thửa đất này bao nhiêu tiền hay áp dụng giá do cụ và các con đưa ra?
Trả lời:
Theo như trình bày của cụ G và cũng như quy định tại Điều 104 Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Fifan Việt Nam – Chi nhánh Đồng Tháp đưa ra một số ý kiến tư vấn như sau:
- Trong quá trình giải quyết vụ án, cụ G và các con có quyền thỏa thuận về giá trị của thửa đất hoặc lựa chọn một tổ chức thẩm định giá thửa đất đang tranh chấp trên.
- Tuy nhiên, việc thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá thì Tòa án sẽ ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá.
Để được hiểu rõ hơn, Fifan Việt Nam – Chi nhánh Đồng Tháp đưa ra một ví dụ: giá trị thửa đất được tổ chức định giá là 300.000.000 đồng, thì cụ G và những người liên quan trong vụ án có thể thỏa thuận và đưa mức giá 350.000.000 đồng, nếu cụ G và những người liên quan thỏa thuận mức giá dưới 300.000.000 đồng thì sẽ không được chấp nhận, vì đây là mức giá thị trường đã được định giá, việc đưa mức giá thấp hơn thì có nghĩa đương sự đang trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước, liên quan đến tiền án phí.
Có thể thấy, định giá tài sản trong vụ án dân sự pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các đương sự, các đương sự có thể tự đưa ra mức giá phù hợp tại thời điểm định giá tại nơi có tài sản, nhưng không thấp hơn mức giá do tổ chức thẩm định đưa ra, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, cũng như không trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước.
Trên đây, Chúng tôi đã tư vấn liên quan đến vấn đề cụ G thắc mắc, mong rằng nội dung trên phần nào giúp cụ G và các bạn hiểu về quy định định giá tài sản.