Hợp Đồng Vay Tài Sản Khi Tranh Chấp Tính Lãi Suất Như Thế Nào?

Tình huống:

Bà Oanh (B. Bình, B.T) hỏi: tháng 10 năm 2022, bà cho bà Thương vay số tiền 40.000.000 đồng, thỏa thuận sau 03 tháng sẽ trả toàn bộ số tiền trên, hai bên ghi giấy mượn tiền, nhưng không ghi trả lãi hàng tháng là bao nhiêu, chỉ thỏa thuận miệng hàng tháng bà Thương trả theo mức lãi suất tối đa của Nhà nước là 20%/năm. Trước khi hết hạn, bà Thương trả được 5.000.000 đồng. Đến hạn, bà Thương không trả được nợ gốc còn lại, nhưng bà Thương vẫn trả lãi hàng tháng hết năm 2023 và từ đầu năm 2024, bà Thương không trả nữa.

Nên bà Oanh khởi kiện yêu cầu bà Thương trả nợ gốc và tiền lãi từ đầu năm 2024 đến ngày bà nộp đơn khởi kiện tại Tòa án. Bà Oanh hỏi liệu rằng yêu cầu của bà có đúng quy định pháp luật?

Trả lời:

Theo như bà Oanh trình bày, thì giấy mượn tiền trên được xác định là hợp đồng vay tài sản, căn cứ điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 (“BLDS 2015”) quy định về hợp đồng vay tài sản như sau: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Theo đó, vay tài sản là quan hệ dân sự do thỏa thuận giữa các bên, khi đến hạn trả, bên vay phải có nghĩa vụ trả tài sản vay.

Bà Oanh yêu cầu được tính lãi từ tháng 01 năm 2024 đến ngày bà nộp đơn tại Tòa án có thẩm quyền, sau khi xem xét, đối chiếu quy định pháp luật thì yêu cầu của bà Oanh chưa phù hợp bởi lẽ, hợp đồng vay tài sản giữa hai bên không thỏa thuận lãi suất, lãi suất được thỏa thuận bằng miệng nên không có căn cứ giải quyết. Nghĩa vụ trả nợ sẽ theo khoản 4 điều 466 BLDS năm 2015 đó là:

“Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 trong trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất theo quy định tại khoản 1 điều 468 Bộ luật này. Lãi suất tối đa theo quy định của Nhà nước là 20%/năm. Theo đó, mức lãi suất trong trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp sẽ là 10%/01 năm (tức 0,83%/tháng).

Từ những căn cứ trên có thể nhận định, tiền lãi bà Thương phải trả tính từ ngày bà Oanh nộp đơn khởi kiện tức là thời điểm bắt đầu phát sinh tranh chấp do không thỏa thuận lãi suất trong hợp đồng vay. Như vậy, tổng công bà Thương phải trả nợ gốc 35.000.000 đồng và 870.000 đồng tiền lãi, tiền lãi sẽ được tính tiếp sau ngày lập biên bản hòa giải thành cho đến khi trả hết nợ gốc (nếu như một trong hai bên không thay đổi ý kiến sau 7 ngày lập biên bản hòa giải thành).

Nội dung tư vấn trên chỉ để tham khảo, không áp dụng cho bất kỳ vụ án nào khác.

 

Để lại bình luận

Đã thêm vào giỏ hàng

Scroll
0948.080.106
0948080106