Trên nhiều trang thông tin truyền thông những ngày vừa qua nội dung được đề cập nhiều nhất đó là việc bãi bỏ Công an cấp Huyện. Như chúng ta đã biết Công an cấp Huyện từng là một bộ phận quan trọng trong hệ thống công an nhân dân, đóng vai trò thiết yếu trong việc giữ gìn an ninh trật tự và hỗ trợ người dân tại các địa phương. Tuy nhiên, với chủ trương tinh gọn bộ máy của Nhà nước, Công an cấp Huyện đã chính thức bị xóa bỏ vào ngày 01/3/2025. Đây là thời điểm đánh dấu một sự thay đổi lớn, không chỉ làm biến chuyển cơ cấu tổ chức lực lượng công an mà còn tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, từ người dân, cán bộ công an, cho đến hệ thống quản lý và công tác an ninh.
Dựa trên quyết định thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW (sau đây gọi tắt là Nghị Quyết 18) được ban hành ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Việc thực hiện bỏ công an cấp huyện là một phần trong lộ trình cải cách hành chính, nhằm giảm bớt tầng trung gian, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng công an. Việc chọn mốc thời gian này không phải ngẫu nhiên mà nằm trong kế hoạch dài hạn, khi công nghệ số đã đủ phát triển để hỗ trợ công việc và Công an cấp Xã được chuẩn bị để tiếp nhận nhiều nhiệm vụ hơn. Đến ngày 01/3/2025, gần 700 đơn vị Công an cấp Huyện trên cả nước chính thức ngừng hoạt động, nhường chỗ cho mô hình mới với hai cấp chính là Tỉnh và Xã, mở ra một giai đoạn vận hành khác biệt so với trước đây.
Một số ảnh hưởng từ việc bỏ Công an cấp Huyện, Fifan Việt Nam – Chi nhánh Đồng Tháp muốn chia sẽ với bạn đọc như sau:
- Trước ngày 01/3/2025, những người trực tiếp sử dụng dịch vụ từ Công an cấp Huyện, họ rất quen thuộc với việc đến trụ sở Công an cấp Huyện để làm thủ tục như cấp căn cước công dân, đăng ký xe hay giải quyết các vấn đề hành chính khác. Khi Công an cấp Huyện bị bỏ, nhiều người phải chuyển sang Công an cấp Xã hoặc lên cấp Tỉnh, dẫn đến sự bất tiện trong giai đoạn đầu. Chẳng hạn, ở các huyện cách xa trung tâm tỉnh, việc di chuyển mất nhiều thời gian hơn, trong khi Công an cấp Xã chưa thể đáp ứng ngay mọi nhu cầu do hạn chế về cơ sở vật chất. Do đó, khi Công an cấp Xã được tăng cường trang bị và ứng dụng công nghệ trực tuyến như VNeID phát huy hiệu quả, người dân dần cảm nhận được sự thuận tiện khi xử lý công việc ngay tại địa phương mình. Ở vùng nông thôn hay miền núi, nơi công an cấp huyện từng là điểm tựa quen thuộc, sự thay đổi này khiến không ít người cảm thấy lạ lẫm, nhưng sự tuyên truyền kịp thời đã giúp họ thích nghi từng bước.
- Tiếp đến, cán bộ công an cũng chịu tác động lớn từ quyết định bỏ Công an cấp Huyện. Trước ngày 01/3/2025, các cán bộ công an làm việc trong môi trường ổn định tại Công an cấp Huyện, với nhiệm vụ vừa quản lý địa bàn vừa hỗ trợ các cấp khác. Sau ngày 01/3/2025, một số cán bộ làm việc ở Công an cấp Huyện được điều động lên Công an cấp Tỉnh để xử lý các công việc phức tạp như điều tra tội phạm với những vụ án lớn hay quản lý dữ liệu toàn tỉnh, trong khi phần lớn cán bộ sẽ được điều chuyển xuống Công an cấp Xã để sát cánh với tại cơ sở. Sự thay đổi môi trường này mang đến nhiều thách thức mới: ở Tỉnh đòi hỏi chuyên môn cao hơn, còn ở Xã thì khối lượng công việc tăng lên đáng kể. Dù vậy, đây cũng là cơ hội để họ rèn luyện năng lực, làm quen với nhiệm vụ mới và đóng góp vào mô hình công an hiện đại. Giai đoạn đầu chuyển giao này, Công an cấp Xã và cấp tỉnh có phần khó khăn do phải sắp xếp lại nhân sự, nhưng với sự hỗ trợ từ Bộ Công an, đội ngũ cán bộ đang dần ổn định.
- Bên cạnh đó, hệ thống chính trị và quản lý địa phương cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của sự kiện ngày 01/3/2025. Việc không còn Công an cấp Huyện giúp bộ máy trở nên gọn gàng hơn, loại bỏ tầng trung gian để giảm chi phí vận hành và tăng hiệu quả điều phối. Công an cấp Tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ chiến lược, trong khi Công an Xã đảm nhận công việc gần dân, tạo ra sự phân công rõ ràng. Tuy nhiên, ở các địa phương đặc biệt như vùng sâu vùng xa, nơi Công an cấp Xã vẫn còn một số hạn chế về nguồn lực, sự thiếu vắng Công an cấp Huyện sau ngày 01/3/2025 khiến công tác quản lý gặp trở ngại nhất định. Để bù đắp, chính quyền địa phương phải tham gia hỗ trợ, từ việc hướng dẫn người dân làm thủ tục đến phối hợp với Công an cấp Xã trong các tình huống cần thiết. Sự hợp sức này đảm bảo rằng hệ thống quản lý không bị gián đoạn dù mô hình đã thay đổi.
- Ngoài ra công tác an ninh trật tự cũng chịu tác động rõ rệt từ ngày 01/3/2025. Trước đây, Công an cấp Huyện là lực lượng chính xử lý các vụ việc ở phạm vi vừa và nhỏ, từ tuần tra ban đêm đến điều tra sơ bộ các vụ trộm cắp hay gây rối. Khi cấp huyện bị bỏ, Công an cấp Xã tiếp nhận các nhiệm vụ cơ bản, còn Công an cấp Tỉnh xử lý các vấn đề lớn hơn. Sự phân cấp này giúp công việc được tổ chức khoa học, nhưng ở những địa bàn rộng, tốc độ phản ứng với các sự cố có thể chậm hơn trong thời gian đầu, khi Công an cấp Xã chưa quen với vai trò mới. Tuy nhiên, nhờ có sự trợ giúp từ công nghệ như camera giám sát và phần mềm quản lý đã hỗ trợ lực lượng công an duy trì trật tự hiệu quả, giảm bớt áp lực từ sự thay đổi.
Với tinh thần thực hiện Nghị Quyết 18, việc tinh gọn bộ máy nhà nước bỏ Công an cấp Huyện vào ngày 01/3/2025, là một bước ngoặt quan trọng, vừa mang lại lợi ích lâu dài vừa đặt ra thách thức trước mắt. Người dân cần thời gian để làm quen với cách thức mới, cán bộ công an phải thích nghi với nhiệm vụ mới, hệ thống quản lý đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, và công tác an ninh trật tự dựa nhiều vào công nghệ cùng lực lượng tại cơ sở. Với sự chuẩn bị chu đáo và sự đồng hành của cộng đồng, những ảnh hưởng tiêu cực sẽ dần được khắc phục, mở đường cho một mô hình công an tinh gọn, hiệu quả và gần gũi hơn với nhân dân.
Nhìn chung, Fifan Việt Nam – Chi nhánh Đồng Tháp muốn chia sẻ đến các bạn đọc giả với tư cách là người quan sát từ góc nhìn pháp lý, chúng tôi nhận thấy đây là một bước tiến mang tính đột phá trong việc tối ưu hóa nguồn lực công an và tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm của hệ thống công an. Việc chuyển sang mô hình hai cấp Tỉnh và Xã không chỉ giảm bớt tầng nấc trung gian, mà còn đặt nền móng cho một khung pháp lý vận hành linh hoạt hơn, nơi luật pháp được thực thi gần dân và hiệu quả hơn. Mặc dù, để mô hình này phát huy tối đa tiềm năng này thì rất cần sự nâng cao năng lực pháp lý cho Công an cấp Xã và đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Đây là thử thách, nhưng cũng là một cơ hội lớn để hệ thống pháp luật Việt Nam khẳng định vai trò trong việc hỗ trợ một lực lượng công an hiện đại, chuyên nghiệp và phục vụ nhân dân.
Tác giả Văn Huyền
(Hình ảnh minh họa từ baodongthap.vn)